Sử dụng 6 vũ khí gây ảnh hưởng của Robert. B Cialdini để xây dựng hình ảnh thương hiệu

 Tác giả Robert B. Cialdini có cuốn sách về thuyết phục rất nổi tiếng là “Những đòn tâm lý trong thuyết phục”, chia sẻ những bí quyết để một người gây ảnh hưởng với những người xung quanh. Đứng ở góc độ xây dựng hình ảnh thương hiệu trên mạng xã hội, chúng ta hãy thử áp dụng xem sao!

 

Nguyên tắc TẠO THIỆN CẢM

Nguyên tắc này giải thích rằng, chúng ta dễ có cảm tình với những người giống chúng ta và đối xử tốt với chúng ta. Nếu thương hiệu của bạn có những đặc trưng, cá tính giống với họ, họ sẽ càng yêu mến và trung thành với bạn. Lấy ví dụ fanpage của Yamaha, cộng đồng của họ là những người trẻ, thích thể thao, thời trang và phong cách thời thượng. Như vậy để tạo ra sự gắn kết giữa thương hiệu và fan, nội dung họ truyền tải đến fan của mình cũng phải có sự trẻ trung tươi mới, phá cách, bắt ngay những xu hướng đang hot trên mạng xã hội là những điều mà fan của họ đang quan tâm hứng thú. Và họ đã làm được như vậy.

Các cuộc thảo luận của fanpage thương hiệu với fan của mình cũng là một cách thức tạo thiện cảm hiệu quả với fan, khi các bình luận của họ được trả lời kịp thời, tên của họ được thương hiệu nhắc đến, khiếu nại của họ được lắng nghe… Chính điều này sẽ làm cho fan có cảm giác tích cực khi được tương tác với thương hiệu, và luôn có sự ủng hộ với sản phẩm của thương hiệu đó.

Nguyên tắc ĐÁP TRẢ

Bất kỳ ai trong chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự đáp trả từ phía người mà chúng ta vừa cho đi. Và nếu sự đáp trả xuất phát từ một thương hiệu thì còn có giá trị hơn nữa. Vì thế nên việc khuyến mãi cho khách hàng không đáng nhớ bằng việc tặng quà tri ân cho khách hàng cũ. Một thương hiệu thường xuyên có những chương trình tri ân khách hàng cũ, tặng quà tình nghĩa, quyên góp từ thiện cho xã hội sẽ dễ đi vào trái tim người tiêu dùng hơn là thuần tuý giảm giá, khuyến mãi thu hút khách hàng mới.

Tạo gắn kết với khách hàng cũ và khi họ trung thành với bạn, yêu thích bạn, họ sẽ giúp bạn quảng bá sản phẩm, dịch vụ của bạn mà không cần một đồng thù lao nào ;)

Nguyên tắc BẰNG CHỨNG XÃ HỘI

Sản phẩm này có nhiều người dùng không? Sản phẩm/dịch vụ này đang được mọi người đánh giá tiêu cực hay tích cực? Trải nghiệm của số đông về sản phẩm của bạn chính là bằng chứng thuyết phục nhất giúp những khách hàng mới quyết định có sử dụng sản phẩm hay không.

Ngày nay, khi mạng xã hội phát triển, thật dễ để lan truyền và tạo các bằng chứng xã hội cho khách hàng tiềm năng của bạn. Tuy nhiên, nếu sản phẩm, dịch vụ của bạn không đủ tốt, mọi bằng chứng xã hội sẽ là vô nghĩa. Lúc này, cho dù kế hoạch của bạn có bao nhiêu KOLs nổi tiếng review ca ngợi sản phẩm đi nữa, khách hàng sẽ sớm bỏ bạn mà đi.

 Nguyên tắc CAM KẾT VÀ NHẤT QUÁN

Không ai chối cãi rằng người có ảnh hưởng và có sức thuyết phục tới người khác nhất là người “nói được làm được”, và luôn giữa chữ tín với lời nói, hành động của mình. Tương tự, một thương hiệu luôn bám vào giá trị cốt lõi đã cam kết với khách hàng sẽ luôn giữ được những khách hàng trung thành.

Công nghệ càng phát triển thì các thương hiệu càng áp lực hơn khi khách hàng đã có thể chủ động tương tác và chia sẻ cảm xúc của mình về sản phẩm, dịch vụ. Điều đó có nghĩa là, khách hàng sẽ luôn giám sát lời nói, hành động của thương hiệu xem có đúng với những gì thương hiệu đã cam kết hay không.

 Nguyên tắc UY QUYỀN

 Một thương hiệu có quyền lực là một thương hiệu có thể tạo nên sự thay đổi xã hội thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình, có lượng khách hàng đông đảo và có giá trị cốt lõi đáng ao ước, ngưỡng mộ. Apple là một thương hiệu có “uy quyền” nhờ sản phẩm chất lượng cao, sự tinh tế trong thiết kế, mượt mà trong trải nghiệm, tính bảo mật cao và đội ngũ CEO luôn truyền cảm hứng. Họ không cần phải làm gì quá to tát để quảng bá sản phẩm, tự động khách hàng tìm đến họ và có hàng triệu tín đồ phát cuồng vì sản phẩm của họ.

 Để thể hiện “quyền lực” trên mạng xã hội, thương hiệu có thể phát triển hình ảnh của CEO, chia sẻ các bài học thành công của lãnh đạo công ty, thành công của đại sứ thương hiệu, chia sẻ những hiểu biết về lĩnh vực liên quan…

Nguyên tắc KHAN HIẾM

 Khi một mặt hàng được bán đầy rẫy ở mọi nơi, nó trở nên kém hấp dẫn. Thời đại cái tôi cá nhân lên ngôi, ai cũng muốn sở hữu những mặt hàng độc lạ, “số lượng có hạn”, “còn rất ít trong kho”… tạo được sự khan hiếm đối với sản phẩm và gợi lên sự khát khao sở hữu sản phẩm ở khách hàng.

Các thương hiệu lớn cũng rất biết tạo nên cơn sốt cho khách hàng khi thỉnh thoảng lại ra mắt các bộ sưu tập độc lạ, phiên bản giới hạn, ưu đãi chỉ duy nhất dịp đặc biệt nào đó…

Ở góc độ làm truyền thông trên mạng xã hội, nguyên tắc Khan hiếm có thể hiểu rộng hơn là cách truyền thông độc đáo của thương hiệu. Độc đáo từ hình ảnh, câu chữ, cách dẫn dắt vấn đề… làm cho fan thích thú và họ không tìm thấy phong cách đó ở fanpage nào khác. Về điều này, Durex Vietnam đã làm rất tốt khi tạo một loạt content “độc, lạ, tinh quái” để quảng cáo cho sản phẩm nhạy cảm của hãng mà không gây phản cảm:

 

Các nguyên tắc trên không chỉ áp dụng cho thương hiệu mà còn cho các chủ shop, cửa hàng nhỏ, start-up… Tuỳ thuộc vào mỗi giai đoạn mà chúng ta có thể tận dụng một vài vũ khí để xây dựng thương hiệu.

Chúc bạn thành công!

 

Hằng Văn ( Golden A Creative Team)